top of page

Tàu thăm dò Curiosity phát hiện các phân tử hữu cơ lớn chưa từng có trên Sao Hỏa

Các nhà khoa học đến từ Trung tâm Không gian Goddard của NASA và hai trung tâm nghiên cứu của Pháp cho biết vừa tìm ra các phân tử hữu cơ dài nhất từng thấy trên Sao Hỏa, dường như xuất phát từ sự phân hủy các axit béo. Phát hiện này được công bố trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS).
Các phân tử bao gồm decan (C₁₀H₂₂), undecane (C₁₁H₂₄) và dodecan (C₁₂H₂₆). Tất cả được gọi chung là ankan - loại hydrocacbon no cấu thành từ một mạch carbon hở, với những nguyên tử hydro gắn thêm vào. Thực ra chúng đã được thu thập từ 12 năm trước, nhưng tới bây giờ người ta mới nhận ra độ dài nói trên.
Hồi năm 2013, xe tự hành Curiosity của NASA đã khoan vào lớp đá bùn trên một tảng đá gọi là ‘Cumberland', nằm trong vùng trũng Yellowknife của miệng hố Gale rộng 154 km. Hố Gale được cho là từng ngập nước vào thời cổ đại và vùng trũng Yellowknife chính là đáy hồ. Còn tảng đá Cumberland thì được tạo thành từ lớp trầm tích giàu đất sét lắng xuống đáy hồ xưa kia.


Lỗ trên tảng đá Cumberland do Curiosity khoan vào năm 2013.
Để phát hiện các phân tử này, tàu Curiosity sử dụng bộ công cụ Phân tích mẫu Sao Hỏa (SAM) mà nó được trang bị. Xe tự hành khoan vào tảng đá và xúc đá vụn vào trong SAM, tại đó chúng được nung nóng ở nhiệt độ 1 ngàn độ C để giải phóng các chất khí. Tiếp đó chất khí này được phân tách và nghiên cứu bằng các cảm biến, chẳng hạn máy quang phổ khối.
Trước đây trong mẫu đá Cumberland, phân tử hữu cơ lớn nhất được tìm thấy chỉ dài có 6 nguyên tử cacbon. Nhưng sau khi tinh chỉnh bộ công cụ SAM để dò tìm các phân tử lớn hơn như axit amin, thì họ lại tìm ra các ankan dài 10, 11 và 12 nguyên tử cacbon - lớn nhất trên Sao Hỏa tính tới nay.
Ba ankan này rất đáng chú ý vì có thể phát xuất từ sự phân hủy các axit béo bị chôn vùi trong trầm tích suốt 3,7 tỷ năm qua. Mà axit béo chính là thứ làm nên màng tế bào, đóng vai trò điều tiết sự trao đổi chất giữa tế bào với môi trường bên ngoài.

Nhưng axit béo cũng có thể được tạo ra bởi hoạt động địa hóa học, không nhất thiết liên quan tới sự sống. Nghĩa là dù chúng có tồn tại trên Sao Hỏa 3,7 tỷ năm trước chăng nữa, cũng chưa phải là bằng chứng chắc chắn 100% về sự sống. Nói chung đây vẫn là manh mối quan trọng và để trả lời đích xác câu hỏi về sự sống trên Sao Hỏa, NASA cần đem mẫu vật về Trái đất để đánh giá kỹ hơn.

Theo Tinhte

Kommentare


bottom of page